Lời Thật Mất Lòng - Thích Chân Tính

Lời Thật Mất Lòng - Thích Chân Tính

1,000 0 0 2 Người đăng: khanhmydo

  • Lưu ý: Vui lòng tạm Dừng Video trước khi chuyển sang nghe Audio.
Pháp thoại
Video thuộc các Playlist:

Bạn không thích video này. Cảm ơn bạn đã phản hồi!

Miêu tả

Danh sách video của thầy Thích Chân Tinh: https://www.youtube.com/watch?v=DplgES9xnCo&list=PLE0eeu1J-lkX5Bwgqo9ganDabrd9JrudJ Cám ơn quí vị đã dành thời gian quí báu xem Video này. Hãy nhấn nút Đăng Ký (Subscribe) để nhận những Video mới nhất của chùa Hoằng Pháp. Nhấn Like để ủng hộ chùa và phát triển kênh. Chúng tôi vô cùng biết ơn việc làm đó của quí vị! Ngoài ra quý vị có thể xem trực tiếp hoặc tải về tại trang chủ của chùa Hoằng Pháp trong mục Pháp âm bao gồm video và MP3. Nam Mô A DI Đà Phật! CHÙA HOẰNG PHÁP - Xã Tân Hiệp, Hóc Môn, Tp.HCM ĐT: 08.37130002 Email: hopthu@chuahoangphap.com.vn http://www.chuahoangphap.com.vn/

Đăng bình luận.

Bình luận (2)

  • Tên của bạn Đã thêm Phản hồi qua bài giảng “Lời Thật Mất Lòng” của Thầy Chân Tính.

    Cần nhìn nhận đúng về Pháp môn Tịnh Độ.

    Pháp môn Niệm Phật cũng được nói trong kinh tạng Nam Truyền, Niệm Phật là một trong những pháp môn tu hành rất căn bản được Đức Thế Tôn chỉ dạy rất rõ ràng, hiện còn lưu lại trong các bản kinh cổ nhất, cả tạng Pàli và kinh tạng Hán truyền.
    Kinh Tăng Chi Bộ, phẩm Một pháp, cũng ghi lại pháp môn niệm Phật này, như sau: “Có một pháp, này các Tỳ kheo, được tu tập, được làm sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỳ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn” (Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 1, phẩm Một pháp, phần Niệm Phật, HT Thích Minh Châu dịch)
    Kinh Tăng Nhất A Hàm, Phẩm Quảng Diễn, có ghi lại rằng một hôm, Đức Phật khi đang trú tại tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ, bấy giờ Đức Thế Tôn dạy bảo các Tỳ-kheo: "Hãy tu hành một pháp. Hãy quảng bá một pháp. Hãy quảng bá một pháp. Đã tu hành một pháp rồi, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chổ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa môn, tự đến Niết bàn. Một pháp ấy là gì? Đó là niệm Phật.” (Việt dịch: Thích Đức Thắng)
    Trong Trường A Hàm, Kinh Tam Tụ ghi: “Thế nào là sáu pháp dẫn đến Niết-bàn? Sáu tư niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm thiên.”(Tuệ Sỹ dịch)
    Pháp tu Tịnh độ được xuất phát từ lời dạy của Phật Thích Ca, có ba tác phẩm được coi là nền tảng của Tịnh độ tông là kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà, và tác phẩm Vãng sinh Tịnh độ luận của ngài Thế Thân. Ngoài ra còn có rất nhiều kinh điển đề cập đến giáo lý Tịnh Độ như: Kinh Đại Bảo Tích, kinh Hoa Nghiêm, kinh Bi-Hoa, kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ, kinh Lăng Nghiêm, kinh Pháp Hoa, kinh Bát Chu Tam Muội, kinh Niệm Phật Ba La Mật, kinh Đại Tập, kinh Cháp Pháp Sanghata, Phật thuyết Vô Lượng Thọ Phật Danh Hiệu Lợi Ích Đại Sự Nhân Duyên Kinh, Phật thuyết Thập Vãng Sanh A Di Đà Phật Quốc Kinh v.v… và nhiều bộ luận khác.
    Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, trong kinh miêu tả vua Tần Bà Sa La và bà Vi Đề Hy bị nhốt trong cung cấm, bà Vi Đề Hy đau khổ, thương khóc vì bị giam cầm, bà hướng về chỗ Phật thường ngự tại Kỳ Xà Quật, cầu thỉnh Đức Thế Tôn thương xót cho hai vị tôn giả Mục Liên, A Nan đến dạy dỗ, thuyết pháp cho con. Nhân đó mà Đức Thế Tôn nói về ba phước tịnh nghiệp, mười sáu cách quán vi diệu và nói về 9 phẩm, dạy người cầu được vãng sanh về cõi Tịnh độ. Trong kinh ghi, Bà Vi Đề Hi nguyện vãng sanh Tây phương. Hiện nay, vẫn còn dấu tích ngục giam vua Tần Bà Sa La, khi bị A Xà Thế giam giữ tại đây, vua Tần Bà Sa La thường đi qua lại bên cửa sổ nhà ngục, nhìn lên núi Linh Thứu, ngưỡng vọng về Đức Phật. Từ ngục giam có thể nhìn thấy núi Linh Thứu, hiện vẫn còn dấu tích.

    Kinh A Di Đà: Đức Phật ở vườn Cấp Cô Độc, nước Xá-vệ, nói về quả báo vi diệu y chánh Tịnh độ, khiến mọi người sanh lòng tin, khuyến khích người nghe cầu vãng sanh để lập nguyện, lại khiến hành giả chấp trì danh hiệu để lập hạnh. Tín, hạnh, nguyện là tông cương yếu của pháp môn Tịnh độ. Phương thức tu tập để được vãng sanh Tịnh độ, là chúng sanh cần phải sanh tâm tha thiết chí thành, chấp trì thánh hiệu của Phật A Di Đà (Phật Vô Lượng Thọ), từ một ngày cho đến bảy ngày, đạt được nhất tâm bất loạn, lúc lâm chung Phật A Di Đà cùng Thánh chúng hiện thân đến tiếp dẫn. Cuối bộ kinh, vì muốn chúng sanh sanh tâm tin tưởng kiên cố đối với pháp môn niệm Phật, Đức Phật đã dẫn lời tán dương và ấn chứng của chư Phật trong mười phương, đồng thời Ngài lại một lần nữa khuyến khích chúng sanh, nên phát nguyện cầu sanh thế giới Cực Lạc.
    Kinh A Di Đà là một trong ba bộ kinh quan trọng nhất của Tịnh Độ tông, có cả bản tiếng Phạn (Sanskrit), được các dịch giả nổi tiếng và uy tín, dịch sang Hán văn như: Cưu Ma La Thập và Huyền Trang.

    Kinh Vô lượng thọ: Đức Phật ở trong núi Linh Thứu, nước Ma-kiệt-đà, nói về nhân địa ban đầu của đức Phật A-di-đà, bỏ nước xuất gia, phát bốn mươi tám lời nguyện. Kinh này được chép lại những lời thệ nguyện của đức A-Di-Ðà , khi còn là một vị Tỳ kheo tên là Pháp Tạng. Nội dung của lời thệ nguyện ấy là: sau khi thành Phật, ngài sẽ lập ra một quốc độ hết sức trang nghiêm thanh tịnh, để tiếp dẫn chúng sanh trong mười phương Thế giới về đó, nếu những chúng sanh ấy thường niệm đến danh hiệu Ngài, yếu chỉ của Kinh Vô Lượng Thọ là khuyên bảo chúng sinh nên cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc.
    “Phàm ai muốn sanh đến quốc độ kia thì phải tu ba phước: 1. Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, giữ lòng từ bi không giết hại, tu mười nghiệp lành. 2. Thọ trì Tam quy, giữ vẹn các giới, đừng phạm oai nghi. 3. Phát lòng bồ-đề, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh điển đại thừa, khuyến tấn người tu hành.”(Kinh Quán Vô Lượng Thọ). Điều này chứng tỏ pháp môn Tịnh Độ không có tiêu cực, bi quan, yếm thế, mà rất tích cực, giúp ích cho cuộc đời và xã hội. Và trong kinh A Di Đà có đoạn như sau: “Xá-Lợi-Phất! Chẳng có thể dùng chút ít thiện căn phước đức nhơn duyên mà được sanh về cõi đó. Xá-Lợi-Phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đức Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bẩy ngày, một lòng không tạp loạn. Thời người đó đến lúc lâm chung đức Phật A Di Đà cùng hàng Thánh Chúng hiện thân ở trước người đó. Người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc của đức Phật A Di Đà.”
    Cả hai đoạn kinh nêu trên hoàn toàn có sự liên hệ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ khuyến tu ba phước, kinh A Di Đà xác quyết, chỉ rõ phải có thiện căn phước đức nhơn duyên, chấp trì danh hiệu đức Phật một lòng không tạp loạn (nhất tâm bất loạn) mới sanh về Tây Phương Cực Lạc. Trong kinh A Di Đà (bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh), Đức Phật nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhắc đến 3 lần: “nên phải phát nguyện sanh về cõi nước Cực Lạc”. Như vậy cần phải có tin sâu, nguyện tha thiết, thực hành chuyên cần, đầy đủ phước đức thiện căn, làm lợi ích cho chúng sanh thì mới gọi là hành giả tịnh độ.
    Cũng trong kinh Vô Lượng Thọ, có đề cập ba bậc vãng sanh. Hết thảy Trời và Người trong mười phương thế giới, nếu ai dốc lòng nguyện sinh sang nước ấy thì được chia làm ba bậc. Trong kinh có đoạn nói về bậc giữa (bậc trung phẩm): “Bậc giữa là các Trời và Người trong mười phương Thế giới, nếu có ai dốc lòng nguyện sinh về cõi nước của Phật Vô Lượng Thọ, dù chẳng làm được Sa môn, tu công đức lớn, nhưng nếu phát tâm Vô thượng Bồ Đề, chuyên niệm danh hiệu Đức Phật Vô Lượng Thọ, tu thiện được nhiều hay ít, chịu giữ trai giới, xây dựng tháp tượng, cúng dường Sa môn, treo phan, thắp đèn, rải hoa, đốt hương, đem những việc đó hồi hướng, nguyện sinh về cõi nước của Đức Phật Vô Lượng Thọ. Những người ấy khi chết đi, Đức Phật Vô Lượng Thọ cùng đại chúng hóa hiện thân hình đẹp đẽ như Phật, hiện ra trước mặt. Người ấy liền theo Đức Hóa Phật mà vãng sinh về cõi nước của Ngài, trụ vào ngôi Bất thoái chuyển, công đức và trí tuệ gần bằng bậc trên (bậc thượng phẩm).” (trích Kinh Vô Lượng Thọ, Hán dịch Pháp Sư Khang Tăng Khải, Việt dịch Hòa thượng Thích Tuệ Đăng).
    Điều này chứng tỏ tính tích cực của pháp môn tịnh độ, được khẳng định trong bản kinh Vô Lượng Thọ như: phát nguyện, chuyên niệm danh hiệu, tu thiện, giữ giới, xây dựng chùa tháp, làm phước v.v… rồi hồi hướng công đức.
    Trong 48 đại nguyện của Đức Phật A Di Đà, trích từ Kinh Vô Lượng Thọ, lời nguyện của Phật A Di Đà rất nhiều nhưng có 2 nguyện quan trọng là: Nguyện thứ 18: Lúc tôi thành Phật thập phương chúng sanh chí tâm tin mộ muốn sanh về cõi nước tôi nhẫn đến 10 niệm, nếu không được sanh (trừ kẻ tạo tội ngũ nghịch cùng hủy báng chánh pháp), thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
    Nguyện thứ 19: Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh phát Bồ đề tâm tu các công đức nguyện sanh về cõi nước tôi, đến lúc lâm chung, nều tôi chẳng cùng đại chúng hiện thân trước người đó, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
    Như vậy hai lời nguyện gồm có 5 ý chính:
    1. Là phát Bồ Đề Tâm
    2. Là tu các công đức
    3. Là nguyện về nước ngài
    4. Là chí tâm tin ưa muốn sanh về nước tôi nhẫn đến mười niệm.
    5. Lâm chung Đức Phật cùng đại chúng cùng đại chúng hiện thân trước người đó.

    Như vậy, cả hai truyền thống, Nam truyền và Bắc truyền, trong các kinh tạng đều ghi nhận pháp môn niệm Phật rất rõ ràng. Điều này chứng tỏ pháp môn này rất phổ biến thời Đức Phật còn tại thế, được đích thân Đức Thế Tôn chỉ dẫn, và xem nó như là một trong những con đường đi đến giác ngộ giải thoát, chứng nhập Niết bàn.
    Kinh Vô Lượng Thọ được dịch từ Tiếng Phạn (một cổ ngữ của Ấn Độ, còn gọi là bắc Phạn- Sanskrit), do kinh văn được dùng để dịch đã khác nhau nên bản dịch có nhiều bản dịch giống và khác nhau là điều đương nhiên. Về nguyên nhân Phạn bản có sự sai khác là do các bản kinh tiếng Phạn đều là bản chép tay nên dễ bị chép sai và sót. Theo ông Trầm Thiện Ðăng cho rằng: “nếu nghiên cứu năm bản dịch còn tồn tại, ta có thể suy ra rằng hiện tại có ít nhất ba bản Phạn” (trích từ Chú Giải Kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác)
    Về số lượng các bản dịch là mười hai bản dịch, hiện nay chỉ còn lại được năm bản dịch. Chúng ta cần biết rằng các bản dịch điều là các vị dịch giả nổi tiếng, phần lớn là người Ấn Độ như: Chi Lâu Ca Sấm, Chi Khiêm, Bồ Ðề Lưu Chi, Khang Tăng Khải…và người xứ Tây Vực dịch. Điều này chứng tỏ Kinh điển Đại thừa, Kinh Vô Lượng Thọ không thể nào gọi là ngụy tạo, kinh giả được.
    Bản kinh Vô Lượng Thọ với mười hai lần dịch, trải qua tám triều đại: Ðời Hán hai bản dịch, đời Ngô một bản, đời Tào Ngụy hai bản, đời Tây Tấn một bản, Lưu Tống hai bản, Ðường một bản, Triệu Tống một bản.
    Điều này chứng tỏ tầm quan trọng, sự lợi ích, giá trị của bản kinh Vô Lượng Thọ, nên có nhiều bản dịch dị đồng, bởi có nhiều Phạn bản. Và Đức Phật đã chỉ dạy pháp môn Niệm Phật ở nhiều bài kinh khác nhau, ở nhiều thời điểm khác nhau. Điều này làm tăng trưởng lòng tin về Pháp môn Tịnh Độ, bởi vì có nhiều kinh điển đề cập. Chúng ta phải nắm được cốt yếu, cốt tủy, đại ý của bản kinh chứ không phải chú trọng vào kinh này bao nhiêu nguyện, kinh kia bấy nhiêu nguyện.

    Kinh Vô Lượng Thọ do được Đức Phật thuyết, nói như thầy Chân Tính, đây là kinh giả tạo hay sao?. Tất cả kinh điển đều được kiết tập bằng chữ viết khoảng từ 200 năm đến 300 năm sau Phật nhập Niết Bàn, chứ không riêng gì Kinh Vô Lượng Thọ hay các bản kinh khác.
    Con riêng quyển “Phật thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh” là do cư sĩ Hạ Liên Cư, hội tập năm bản dịch gốc đời Hán, Ngụy, Ngô, Đường, Tống của kinh Vô Lượng Thọ, chọn hết những điểm tinh yếu, thâu trọn các điểm mầu nhiệm soạn thành kinh này, là bản hoàn thiện nhất.
    Nói như thầy Chân Tính bản kinh này mới xuất hiện gần đây, nhận định này là đúng.
    Thế nhưng trong bài giảng của thầy Chân Tính gần như phản bác kinh điển Tịnh Độ, kinh Vô Lượng Thọ , gây ra hoang mang dư luận. Thầy phải nói cho rõ ràng, kết luận cụ thể như vầy: Kinh Vô Lượng của tác giả nào nên tụng, kinh nào mới biên tập, kinh hội tập nào không nên tụng đọc. Chứ thầy nói không cụ thể, nói không rõ ràng, gây hiểu lầm cho dư luận, cho Phật tử.

    Còn vấn đề “Phải quy y với Phật A Di Đà, phải có pháp danh tên là Diệu Âm thì mới được vãng sanh”, đây là quan điểm của một vị thầy, chứ không phải tông chỉ của Tông Tịnh Độ.

    Phật giáo Ấn Độ đã du nhập vào Trung Quốc, do các nhà buôn hay các nhà sư truyền giáo người Ấn qua các ngã đường biển và đường bộ. Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ, khi đã có sự truyền bá thì chia làm 2 nhánh lớn. Một hướng về phía Nam, tức là Nam Tông Phật giáo. Một hướng về phía Bắc, tức là Bắc Tông Phật giáo ngày nay.
    Trung Quốc là một đất nước rộng lớn, ảnh hưởng mạnh đến các nước phía Bắc từ xưa cho đến bây giờ. Vì vậy, Phật giáo từ Ấn Độ truyền sang Trung Quốc cũng đóng một vai trò quan trọng và ảnh hưởng đến các nước lân cận.
    Theo “Thuyết khẩu Truyền Phật giáo của Y Tồn”, vào Niên hiệu Nguyên Thọ năm đầu (Thế kỷ thứ II trước TL), đời vua Ai Đế nhà Tiền Hán, có Y Tồn, sứ giả nước Đại Nhục Chi tới, đem Phật giáo truyền miệng cho Trần Cảnh Hiên.
    Như vậy, Phật giáo truyền đến Trung Quốc vào thế kỷ thứ 2 trước Tây Lịch từ Trung Á nhằm niên hiệu Nguyên Thọ đời vua Ai Ðế nhà Tiền Hán, nhưng Phật giáo không truyền bá rộng rãi cho đến năm 67 Tây lịch, dưới triều vua Minh Ðế (niên hiệu Vĩnh Bình thứ 10 nhà Hậu Hán) . Ca Diếp Ma Đằng (Kàsyapamátanga) và Trúc Pháp Lan (Dharmaraksa) là hai vị Tăng Ấn Độ đầu tiên đến Trung Quốc vào niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ 10 (67 TL) thời vua Minh Đế Hậu Hán. Trong khi truyền đạo tại miền Bắc Ấn, hai Ngài đã sang Trung Quốc theo lời thỉnh cầu của phái đoàn 18 người do vua cử đến Ấn Độ (Tây Trúc) tìm đạo. Khi hai Ngài tới Trung Quốc, vua Minh Đế rất tôn kính, vua cho dựng chùa Bạch Mã, là ngôi chùa đầu tiên ở Trung Quốc, để hai Ngài phiên dịch kinh điển. Tứ Thập Nhị Chương là bộ kinh đầu tiên được hai Ngài dịch tại chùa Bạch Mã. Sau đó thì có nhiều kinh được hai Ngài phiên dịch.

    Từ đó Phật giáo càng ngày càng phát triển, sau ngài Ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan, các nhà truyền đạo, các tăng sĩ từ Ắn Đô (xứ Tây Trúc) cũng tiếp tuc truyền đến, trong số đó có các ngài: ngài An Thế Cao (An Shih-Kao), là người An Tức (Parthian, thuộc Bắc Ấn), ngài Chi Lâu Ca Sấm (Lokaksema), ngài Trúc Phật Sóc (Sangha Buddha), cư sĩ An Huyền - người nước An Tức (Parthia), ngài Đàm Quả (Dharmaphàla) - người Tây vực, Đàm Ma Ca La (Dharmakàla) - người Trung Ấn v.v… đến Trung Quốc vào năm, mang theo nhiều Kinh điển để phổ biến nơi vùng đất mới này. Thời kỳ này kinh chữ Phạn dịch ra chữ Hán khoảng 300 bộ.
    Phật giáo Trung Quốc đóng vai trò quan trọng của việc phiên dịch kinh sách, nhiều vị tăng sĩ nổi tiếng kiêm dịch giả, như Cưu Ma La Thập (Kumarajiva), Chân Đế (Paramartha), Bất Không (Amoghavajra), Huyền Trang (Hsuan-Tsang), Phật Đà Da Xá (Buddhayasas) v.v... Trải qua nhiều thế hệ, nhiều tăng sĩ người Trung Quốc sang Ấn Độ để du học, học cổ ngữ tại đây, để từ đó dịch kinh sách sang tiếng Trung Quốc. Cho nên đất nước Trung Quốc đã lưu giữ phần lớn các kinh điển Bắc Truyền, kinh điển Đại Thừa, mà phần lớn kinh sách Phật giáo bằng tiếng Phạn (Sanskrit) ở Ấn Độ đã bị hủy diệt vào thế kỷ 14 sau cuộc xâm lăng của Hồi giáo vào Ấn Độ hoặc do thất truyền, hư nát. Không thể nói rằng Kinh điển Bắc truyền hay Kinh điển đại thừa không phải là lời Phật thuyết, đây là điều hết sức sai lầm của một số người. Nói như thế các ngài như: Ca Diếp Ma Ðằng, Trúc Pháp Lan, An Thế Cao, Chi Lâu Ca Sâm, Trúc Phật Sóc, Khương Tăng Hội, Cưu Ma La Thập, Pháp Hiền, Nghĩa Tịnh, Chân Đế, Bất Không, Huyền Trang, Phật Đà Ba La v.v…chẳng lẽ nào các ngài đó dịch từ bản kinh cổ ngữ Ấn Độ sang Tiếng Trung Quốc, toàn là kinh điển ngụy tạo, kinh giả hay sao?.
    Lại nữa, theo ngài Huyền Trang kể lại khi ngài viếng Ấn Ðộ vào giữa thế kỷ thứ bảy. Theo ngài thuật lại, sự thực có hai nhóm Kiết tập trong thời gian Kỳ Kiết Tập Lần Thứ Nhất. Nhóm thứ nhứt gồm năm trăm vị trưởng lão do ngài Mahakasyapa (Ma Ha Ca Diếp) cầm đầu tựu tập trong động Saptaparna và Kiết tập một hệ thống kinh điển. Nhưng còn có một số tăng chúng hội họp bên ngoài động và Kiết tập một hệ thống kinh điển riêng. Những vị trưởng lão, như chúng ta đã biết, tập trung sự chú trọng vào giới luật, trong khi hệ thống kinh điển của nhóm bên ngoài phản ảnh sự không thỏa mãn với phạm vi nhỏ hẹp đó, và đã đặt nền tảng cho cái mà sau nầy trở thành Bộ Ðại Chúng.
    Theo Sử liệu, sau khi Kiết tập lần thứ nhất bế mạc, ngài Phú Lâu Na dẫn 500 tỳ kheo khất thực ở Nam sơn về tới, giáo hội cho ngài biết nội dung đã Kiết tập, ngài Phú Lâu Na tuyên bố : ''Chư đức đã Kiết tập xong Phật Pháp như vậy rồi, nhưng những pháp mà tôi đã được riêng nghe từ kim ngôn của Phật, cũng nên thọ trì''.
    Câu chuyện nầy về sau biến thành giai thoại ''Giới ngoại kiết tập'', truyền tụng ở Bắc Phương Phật Giáo như sau : Trong khi 500 vị La Hán họp ở Vương Xá thành, có một số tỳ kheo khác do Bà Sư Ba (Baspa) làm Thượng thủ, họp tại một nơi gần đó để Kiết tập, gọi là ''Đại chúng bộ Kiết tập'' hay ''Giới ngoại Kiết tập''.
    Do đó việc Kiết tập của kinh điển Ðại Thừa đã có mặt trong thời gian có Kỳ Kiết Tập Lần Thứ Nhất. Thế mà Nam Truyền (Theravàda ), lại không công nhận Kinh điển đại thừa (Bắc Truyền), ban đầu đã có sự phân hóa như thế. Có một số người cho rằng, đây kinh điển chính thống và không chính thống, điều này hoàn toàn sai. Tất cả kinh điển đều do Phật thuyết, thế mà lại phân chia, không công nhận, chỉ trích lẫn nhau. Đừng cho rằng kinh này là kinh gốc, kinh kia là ngụy tạo. Hoặc công kích truyền thống kinh điển lẫn nhau, gây ra chia rẽ mất đoàn kết trong nội bộ Phật giáo. Do đó, chúng ta nên đi tìm những điểm chung nhất, những điểm giống nhau của các truyền thống Phật giáo, bộ phái Phật giáo mà một số học giả, tăng sĩ đã từng làm, đã từng đề cập.

    Nói về lịch sử Kiết tập kinh điển, không riêng gì kinh điển Bắc Truyền, hay kinh Vô Lượng Thọ, mà Kinh điển Nam Truyền (Theravàda ) được kiết tập và viết bằng chữ trên văn bản, cũng khoảng từ 200 năm đến 300 năm sau Phật Niết Bàn. Trong hai lần Kiết tập lần 1 và lần 2, chư Tăng Kiết tập theo thể thức hội tụng chứ chưa dùng cách ghi chép. Mãi cho đến lần Kiết tập thứ 3 và thứ 4, ngoài cách hội tụng còn được ghi chép lại bằng văn tự.
    Còn nữa Bộ A-hàm (Hán ngữ) tạng tương đương với Bộ Nikàya (Pàli). Nói như thế để những người học Phật không nên chủ quan và rơi vào bảo thủ khi xác quyết rằng “chỉ có kinh tạng Nikàya mới do Phật thuyết”. Tại sao chúng ta đề cao Bộ Nikàya (Pāli), còn các tạng kinh điển khác thì sao?.
    Hiện nay có nhiều Đại Tạng Kinh, điển hình có những bộ như sau :
    1. Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Tripitaka)
    2. Vạn Tân Toản Tục Tạng Kinh (Successive Tripitaka)
    3. Càn Long Đại Tạng Kinh ( Qianlong Tripitaka)
    4. Vĩnh Lạc Bắc Tạng (Yongle Tripitaka)
    5. Pāli Đại Tạng Kinh ( Pali Tripitaka)
    6. Phạn Văn Đại Tạng Kinh (Sanskrit Tripitaka )
    7. Tây Tạng Văn Đại Tạng Kinh (Tibetan Tripitaka).
    8. Cao Ly Đại Tạng Kinh (Koreana Tripitaka).
    Như chúng ta biết rằng Đức Phật không chỉ thuyết pháp cho loài người, mà còn có chư thiên (loài trời), loài hữu tình, loài phi nhân và các loài chúng sanh khác. Vả lại trên con đường giáo hóa tại nước Ấn Độ rất rộng lớn, với nhiều hạng người, ở nhiều thời điểm, nhiều xứ, nhiều nơi khác nhau. Có nhiều bài kinh ở phía Nam Ấn có, mà phía Bắc Ấn không có và ngược lại. Khi Đức Phật nhập diệt, các hàng đệ tử truyền khẩu giáo pháp kinh điển, sau này mới được biên tập và ghi chép với nhiều ngôn ngữ khác nhau, ít nhất là hai loại cổ ngữ của Ấn Độ. Tam tạng kinh điển lưu hành ở nhiều vùng miền khác nhau và truyền sang các nước lân cận. Ngày nay, chúng ta đã khám phá, phát hiện ra nhiều bản kinh, thư tịch cổ, cổ vật, tượng Phật, xá lợi được cất giấu trong các hang động, những chỗ ẩn kín ở khắp nơi trên thế giới. Kinh điển được cất giấu, lưu trữ ở nhiều nơi cho nên hiện nay mới có Đại Tạng Kinh đồ sộ và phong phú. Tuy trải qua thời gian khá dài như thế, không khỏi sót mất, thất lạc hoặc bị đốt. Thế nhưng kinh điển Phật giáo thuộc loại đồ sộ, nhiều kinh điển nhất trong các tôn giáo.

    Lại nói về có nhiều quốc độ, nhiều thế giới, các cõi Phật. Trong Buddhavamsa (Phật sử) thuộc Tiểu bộ kinh: là tập kinh theo thể thơ kệ nói về sự tích 24 vị cổ Phật từ Ðức Phật Dipankara (Nhiên Ðăng) đến Ðức Phật Kassapa (Ca Diếp) và cuối cùng là câu chuyện của Đức Phật Gotama. Tất cả đều do Ðức Phật Gotama kể lại từ khi Ngài còn là Bồ tát được Ðức Phật Dipankara thọ ký cho đến khi Ngài diệt độ trong Niết bàn Vô dư y.
    Số lượng Quốc Độ của Chư Phật đã được Đức Phật Thích Ca thuật lại trong Buddhāpadāna thuộc Tiểu Bộ của Chính Tạng Pāli như sau: “Disā dasavidhā loke, yāyato natthi antakaṃ. Tasmiñca disābhāgamhi, buddhakhettāasaṅkhiyā.” Tỳ khưu Indacanda đã dịch tiếng Việt là: “Mười phương ở thế giới vũ trụ đối với người đang du hành là vô tận (không có điểm tận cùng). Và ở mỗi phương (thế giới) ấy, các địa phận của chư Phật là (vô số) không thể đếm được.”
    Trong bài viết “Sự Mô Tả Tịnh Độ Của Chư Phật Trong Tạng Pāli”, tác giả Tống Phước Khải nhận định: “Như vậy, lời của Đức Phật Thích Ca trong Chính Tạng Pāli đã khẳng định sự tồn tại những Quốc Độ của Chư Phật là vô số. Những Quốc Độ này thì tồn tại khắp mười phương vũ trụ. Chúng ta nhận thấy rằng, việc xác định có sự tồn tại vô số các Thế Giới của Chư Phật không phải chỉ xuất hiện riêng ở hệ thống kinh điển Sanskrit mà ngay cả hệ thống kinh điển Pāli cũng ghi nhận rất rõ ràng về vấn đề này.”

    Lại nữa, Thầy Chân Tính còn nói: “Đức Phật hiện ra tiếp dẫn ai chưa, thầy cũng chưa thấy luôn”. Thầy không tin có Phật thiệt, Đức Phật hiện ra trước mặt, thầy mới tin. Thầy không tin là có vãng sanh. Thầy còn nêu dẫn chứng Hòa thượng Thích Trí Tịnh (Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN), một vị cao tăng, vị tu theo Tịnh độ nổi tiếng của Việt Nam, lúc ngài sắp mất, chư Tăng Ni đến hộ niệm, sao chả thấy Phật. Lý luận của thầy sao giống ngoại đạo quá. Thử hỏi có pháp môn nào tu theo Phật giáo đã thấy được Phật chưa, đừng nên phản bác như thế. Thấy hay không thấy là ở người Niệm Phật. Còn người không Niệm Phật, không tưởng Phật, không nhớ đến Phật thì làm sao mà thấy. Mà thấy hay không thấy là chuyện của mỗi người, không cần đánh giá hay phê phán như thế. Thầy đánh giá, nhận định như vậy là hoàn toàn sai, không đúng. Giả sử, bản thân thầy không niệm Phật sao mà thấy được Phật, chỉ có tự nhớ nghĩ thì mới có thể thấy. Giả như thầy nhớ cha mẹ thì tối nẳm mơ thầy thấy cha mẹ thầy, không thể nào người khác thấy được.

    Còn lợi ích của hộ niệm, trợ niệm không ai mà không biết, giờ phút cận tử nghiệp, lúc hấp hối rất quan trọng. Ý niệm cuối cùng ấy rất quan trọng, Nếu lúc ấy mà nghe tiếng niệm Phật thì người đó sẽ không bị vướng bận hay âu lo, mà chỉ nương vào tiếng niệm để niệm Phật, nhớ Phật. Vì vậy hộ niệm lúc lâm chung là tốt, là quan trọng. Trong Kinh Na Tiên có ghi: “Vua hỏi Na Tiên rằng: với người cả đời tạo ác, khi lâm chung mới niệm Phật, liền được sanh về nước Phật, việc nầy khó tin? Na Tiên đáp: Như người lấy một tảng đá lớn để trên chiếc thuyền bơi qua song, nhờ thuyền đá không chìm. Người tuy trước ác; nhưng nhờ ăn năn hối cải niệm Phật, nghiệp ác tiêu liền được vãng sanh.”
    Ai cũng biết đá nặng thì không thể qua biển được, nhưng có thuyền to chở qua thì dễ dàng. Chúng sanh cũng vậy, tội nhiều chướng nặng thì không thể liễu thoát sanh tử, nhưng có thuyền nguyện lực của chư Phật đưa qua biển sanh tử dễ dàng. Tuy nhiên, hiện thời chúng ta phải huân tập chủng tử tốt, phải tập niệm cho thành thói quen gọi là tích lũy nghiệp, chứ không phải đợi đến lúc hấp hối mới hộ niệm, mới niệm Phật.
    Vãng sanh hay không là thì vẫn có một số biểu hiện tốt như: biết trước ngày vãng sanh, khi gần chết tỉnh táo niệm Phật, tướng lành, nét mặt vui tươi, sắc diện hồng, có hương thơm, có ánh sáng, ngồi kiết già xoay mặt về hướng Tây, to tiếng niệm Phật, đọc kệ trước khi vãng sanh, v.v… mà trong các truyện vãng sanh có để cập và có lợi ích về Niệm Phật như: Gương Sáng Niệm Phật, Đường Về Cực Lạc, Những Truyện Niệm Phật Cảm Ứng Mắt Thấy Tai Nghe, Tam Bảo Cảm Ứng Yếu Lược Lục, Mấy Điệu Sen Thanh v.v…Có đến hàng ngàn trường hợp khác nhau. Ở Việt Nam, Thượng tọa Chơn Thanh khi viên tịch đã lưu lại chiếc lưỡi xá lợi, do thầy niệm Phật tinh chuyên, giới định tuệ trang nghiêm. Và còn rất nhiều trường hợp khác, người thật, việc thật chứ không phải do ung thư nên xương trắng. Với ngọn lửa cả ngàn độ thì xương nào cũng cháy cả. Chỉ có xá lợi là không bị cháy, như trường hợp ai cũng biết đó là ngài Cưu Ma La Thập sau khi hỏa táng đã lưu lại xá lợi lưỡi, Hoà thượng Thích Quảng Đức lưu lại xá lợi tim, Hoà thượng Thích Minh Đức (tỉnh Quảng Ngãi) – hài cốt của HT vẫn còn nguyên vẹn sau 26 năm chôn cất v.v… Cho nên đừng xem là không có việc lưu xá lợi.
    Còn cư sĩ Cư sĩ Tịnh Hải (1929 – 2010) , tác giả cuốn sách “Những Chuyện Niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá Lợi”, “Niệm Phật Cách Nào Được Vãng Sanh”, “Kinh Niệm Phật Ba La Mật Sưu Giải”, là người có công tán thán pháp môn Tịnh Độ, đã mất vào năm 2010. Suốt những năm tháng cuối đời ngài đã nỗ lực hoằng truyền Tịnh độ và đã dùng chính công đức tu hành một đời của mình làm minh chứng kỳ diệu khuyến tấn người Niệm Phật. Điều này xin thầy Chân Tính tìm hiểu cho kỹ, thầy tin hay không tin có xá lợi là tùy thầy. Tôi nghĩ rằng những cuốn sách của cư sĩ Tịnh Hải biên soạn đã đóng góp vào việc hoằng dương pháp môn tu tập Niệm Phật, pháp môn Tịnh Độ.
    Pháp môn Tịnh Độ do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Phật chỉ dạy, mình nên tôn trọng các phương pháp này, không nên hủy báng. Các vị tổ sư, các thầy đã tu pháp môn Tịnh Độ đạt được nhiều lợi ích, và có các nhân vật lịch sử tu tập như: Bà Vi Đề Hi (mẹ vua A-xà-thế), Mã Minh, Long Thọ, Thế Thân, Huệ Viễn, Thiện Đạo, Trí Giả, Liên Trì, Ấn Quang, Pháp Nhiênv.v… Ở Việt Nam chư tôn đức Tăng Ni, các bậc cao tăng thạc đức, chư vị Hòa thượng đều xiển dương pháp môn Tịnh Độ, có thể kể đến như: Hòa thượng Phước Huệ, Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Thiên Hoa, Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Thiền Tâm v.v
    Chả lẽ nào hằng ngàn năm nay, chư tổ sư, chư tăng ni và Phật tử tu sai pháp. Điều này hoàn toàn không đúng, không phản ảnh đúng sự thật, đừng nên bôi nhọ chính mình, bôi nhọ chư Phật, hủy báng tôn Pháp và chư Tăng.
    Ngay cả trong trong Mật Tông thì Đức Phật A Di Đà là một trong Ngũ Trí Như Lai Phật là vị bổn tôn của Liên Hoa Bộ. Với câu A Di Đà Phật tâm chú (Om Amarani Jivantaye Svaha - Ôm A ma ra ni di van ta ye sô ha). Danh hiệu Phật A Di Đà cũng là một trong những cửa ngõ giải thoát của Mật Tông, theo Mật giáo thì sự niệm Phật có tác dụng hóa giải những oán chướng nghiệp báo, oan gia giúp cho hành giả siêu sanh Tịnh Độ.
    Đây là một vài góp ý đối với bài giảng của thầy Chân Tính mà cũng là đóng góp ý kiến đối với một số học giả đánh giá sai về Pháp môn Tịnh độ, kinh điển Bắc Truyền, kinh điển Sanskrit. Cúi xin mọi người nghiên cứu thật kỹ và thực hành rồi mới phát biểu. Chỉ lý luận suông là vô ích, mà không đi vào bản chất của sự tu tập, thực hành. Cũng bởi cơ bản ít chịu học hỏi, hoặc cố chấp về một tạng kinh. Hoặc tin vào nhận định của một số học giả Tây Phương là điều hết sức sai lầm, bởi vì học giả phương Tây do ít khả năng xem đọc tiếng Hán nên phải nghiên cứu bằng tiếng Pàli và tiếng Anh, khiến cho nhận định thiên lệch. Phần lớn các kinh điển tiếng Hán được dịch từ tiếng Phạn (Sanskrit) và một phần ít tiếng Pāli, mà bản tiếng Phạn hiện nay bị thất truyền hoặc chỉ còn rất ít. Mỗi phương pháp tu hành, mỗi tông phái thì cũng có sự dị biệt, nhưng kết quả là dẫn dắt hành giả chứng ngộ được chân lý tối thượng, giác ngộ và giải thoát. Tránh trường hợp người tu Thiền hủy báng người Niệm Phật, người Niệm Phật hủy báng Thiền, hoặc người hành trì Mật hủy báng các phương pháp khác. Làm như thế ta đang hủy báng tam bảo, hủy báng Chánh Pháp, mà phá hoại pháp, phỉ báng chính pháp là tội cực nặng. Tâm tánh, trình độ, căn cơ khác nhau nên pháp môn có khác nhau. Ngay trong thời Phật tại thế, mỗi lần ngài giáo hóa, thuyết pháp cũng phải tùy duyên, tùy thời, tùy cơ mà. Bởi vậy mới có nhiều bài kinh, nhiều bài pháp. Vì vậy, tại sao chúng ta lại báng bổ nhau, hủy báng nhau như thế. Cần tôn trọng phương pháp tu của mỗi người.
    Kính tri
    Người viết: Hạnh Lạc (Đệ tử Đức Phật).
  • Hạnh lạc Đã thêm Phản hồi qua bài giảng “Lời Thật Mất Lòng” của TT Thích Chân Tính
    http://www.mediafire.com/file/1n22m4pw r7e2475/Ph%E1%BA%A3n+h%E1%BB%93i+qua+b%C3%A0i +gi%E1%BA%A3ng+%E2%80%9CL%E1%BB%9Di+Th%E1%BA% ADt+M%E1%BA%A5t+L%C3%B2ng%E2%80%9D+c%E1%BB%A7 a+TT+Th%C3%ADch+Ch%C3%A2n+T%C3%ADn+-+Ban+1.do cx