Chiếc bóng lặng thầm - Thích Thiện Thuận

Chiếc bóng lặng thầm - Thích Thiện Thuận

8,736 0 0 0 Người đăng: admin

Bạn không thích video này. Cảm ơn bạn đã phản hồi!

Miêu tả

Chiếc bóng lặng thầm
Giảng tại chùa Viên Quang, Đồng Nai

Cách đây gần 3 năm, một đêm đó khoảng 11 giờ đêm thì điện thoại của chùa thầy reo, bắt điện thoại thì thầy nghe bên kia giọng của một người con trai, sau khi chào hỏi thì thầy biết em này là một kiến trúc sư ở Nha Trang, nó gọi điện cảm ơn thầy, thầy mới hỏi: thầy chưa có quen con mà, thầy có làm gì đâu mà con phải cảm ơn.
Nó mới nói: dạ thưa thầy, con cảm ơn thầy đã giảng cái đĩa Bóng Mây để cho con xem.
Thì thầy khách quan thầy mới nói: thầy chỉ giảng chung chung thôi, nếu con có những điều gì mà làm không đúng với Ba Mẹ thì con nên thay đổi cuộc sống của con.
Thì nó mới bắt đầu tâm sự, nó kể:
Con ở Mỹ Tho, Ba Mẹ con đều là giáo viên hết, nhưng ba con chết lúc con còn nhỏ, đó là 2 tuổi, ba con bị lao phổi chết, mẹ con dạy học rồi nuôi con tới lớn. Lớn lên con thi vào đại học Kiến trúc ở Sài Gòn, đậu vào ĐH Kiến trúc thì con học, năm nay con 28 tuổi, thì mỗi tuần cứ sáng sớm thứ 2 con đi xe đò lên Sài Gòn học, chiều thứ 7 con đi xe đò về với mẹ con, cứ như thế tuần nào cũng vậy, mẹ - con gặp nhau 2 ngày, rất là hạnh phúc, rất là ấm êm chốn quê nghèo.
Sau khi tốt nghiệp xong, con rất là mừng và con tìm được việc làm; con có quen với một người bạn gái đó, thì con dẫn về để thăm mẹ, thì mẹ con rất quý cô bạn gái này của con, tại vì cô bạn gái này của con là con của một gia đình có học thức và rất là nề nếp, có gia giáo; Mẹ con đồng ý hết, cho nên là để chuẩn bị tiến tới hôn nhân. Nhưng một lát hỏi, mẹ con biết bạn gái con tuổi Dần, mẹ con nói không được.
Thầy: Mấy bác ở đây cưới dâu có coi tuổi không?
“Dạ có chớ” – một người nghe trả lời.
Cái em đó kể: Tự dưng mẹ con phản đối, Hổng được nhe con, con mà rước con cọp cái này về thì mẹ con mình chết nhe con, nó tuổi Dần đó; “lấy vợ tuổi Dần mần ăn trật giuột”.
Con khó chịu quá, mẹ à: tuổi Dần, tuổi Sửu cũng là tuổi chứ đâu phải là con người đâu? Cái đó người ta đặt ra để phân biệt năm này năm kia thôi, quan trọng là tánh nết; mẹ đã chấm bạn con là đẹp người đẹp nết mà, mẹ đã nói bạn con bạn con là đẹp người đẹp nết mà giờ mẹ nói gì kỳ vậy?
Mẹ con nhất định không chịu, tao nói không à nha.
Thầy biết không, suốt 3 tháng trời con năn nỉ hoài vậy đó, tuần nào con cũng về năn nỉ, con năn nỉ tới 1 giờ sáng luôn. Vậy mà mẹ con không xiêu lòng. Bữa đó con nói: Mẹ, từ nhỏ tới lớn, năm nay con 24 rồi, mẹ quyết định hết, tất cả mọi chuyện gì mẹ quyết định hết trơn đó, con không có ý kiến, bây giờ mẹ cho con xin 1 lần con quyết định cho cuộc đời con – đó là con chọn vợ cho con. Con chọn bạn đời cho con, một lần thôi, con không cãi mẹ gì nữa hết.
Bà mẹ nói: Không. Mẹ nói không là không. Bây giờ có 2 con đường để con lựa chọn: Một là Mẹ, con chọn mẹ thì con ở nhà bình thường, còn hai là: con chọn con cọp cái đó, thì đi ra khỏi nhà.
Nó năn nỉ mẹ nó, nó quỳ xuống: mẹ đừng có ép con những chuyện mà con không muốn.
Mẹ nó quát lên: Mẹ không ngờ đẻ con ra, nuôi con tới lớn, bây giờ mới biết được ...
Thầy biết không, mẹ con chửi vô mặt con là cái thằng mê gái, con thấy sao đâu đó, con giận lắm. Cái mẹ con nói: Mày đi ra khỏi nhà tao.
Thầy mới hỏi vậy chứ: rồi con làm sao?
Con giận quá, con đứng lên, con nói: đây là mẹ từ chối con, chứ không phải con từ chối mẹ nha, vào lấy 3 bộ đồ đi ra liền. Xong rồi ngày hôm sau nó gọi điện về, mẹ chửi cho nó một trận te tét luôn – nó cúp điện thoại, mẹ nó còn giận. Ba ngày sau nó hỏi thăm, mẹ nó chửi một trận nát nước trời mây hết. Nó nói không được rồi, tại vì trong lòng nó cảm thấy ray rứt, đúng 1 tuần lễ sau nó gọi điện về thăm nữa, lúc bấy giờ mẹ nó chửi nó một trận te tua xơ mướp luôn, mà chửi toàn dùng những tiếng không có thanh nhã. Nó nói mẹ mình giờ không giống là mẹ nữa, giống bà phù thủy quá, lúc đó nó mới tức, nói mới nói: Nếu như mẹ không nhìn nhận con thì từ bây giờ mẹ hãy coi như con trai của mẹ đã chết, từ đây đến suốt cả cuộc đời này, con mà làm phiền mẹ nữa, cho trời tru đất diệt. Cúp máy.
Nói nói: thầy biết không, kể từ cuốc điện thoại đó, con hận mẹ con vô cùng, con nghĩ gia đình cũng đâu phải là nghèo khó, nhà dư dã mà, tại sao mẹ con lại nhẫn tâm đẩy con đi ra cuộc đời, con có gia đình mà con không được về, con có nhà mà không được ở, rồi bạn gái con là con của một gia đình rất là đàng hoàng, có danh vị trong xã hội mà phải chịu nỗi oan khuất là “đi theo trai”. Tại sao? Có phải tại mẹ con là người đàn bà ích kỷ hay không? Đã đẩy vợ chồng con vào ngõ cụt cuộc đời, thầy biết suốt 4 năm nay, tụi con rất là vất vả - đi làm cho người ta, mặc dù chúng con có bằng cấp nhưng người ta cũng ép, tụi con cắt đứt liên lạc hết, không qua lại với ai, không bạn, không bè, không ai biết hết. Nước mắt để chan cơm, mỗi một ngày trôi qua là một ngày biết bao nhiêu niềm uất hận đổ lên trên đầu của con, khi con bị người ta ép, bị chủ ép hoặc bị khách hàng làm thế này thế kia là mỗi một lần con hận mẹ con – tại sao mẹ con lại đối xử với con tàn nhẫn như thế.
Suốt 4 năm rồi, con không liên lạc với mẹ, con hận bà ấy, bả là một người phụ nữ ích kỷ, độc ác. Nhưng mà lúc tối, vợ chồng con xem Bóng Mây, con nghe tới câu: “giờ này bên mẹ có còn ai?” - tự nhiên con thấy thương, căn nhà đó lớn quá, mà một mình mẹ con năm nay cũng gần 60 rồi, chắc là buồn lắm, cho nên vợ chồng con thấy ray rứt trong lòng, bây giờ quyết định về để thăm mẹ, cho nên con gọi điện để con cảm ơn thầy đã nhắc nhở con làm tròn câu Hiếu.
Thầy nói: được vậy thì chúc mừng, mà liệu mẹ con có đón nhận vợ chồng con không hay là giẫm lại vết xe trước đã đổ, thêm một lần làm tổn thương vợ chồng con.
Nó nói: dạ không, vợ chồng con đã chuẩn bị tâm lý rồi, mẹ con có chửi có đánh có mắng thì tụi con cũng ngồi nghe, chừng nào mẹ mệt mẹ nghỉ. Mà 4 năm nay, vợ con cứ nhắc nhở con về mà con không chịu, con nhất định là không. Cho nên con nghĩ vợ con rất là độ lượng.
Thầy nói: được vậy thì thầy chúc mừng. Thầy nghe thầy vui quá, tại vì một đứa con nó biết quay đầu lại, còn nỗi niềm nào hạnh phúc hơn, rồi công việc lu bu thầy quên. Tối hôm sau, nó gọi điện cho thầy, thầy hỏi: con về nhà rồi à? Quý vị biết, nó nghẹn ngào: “thưa thầy, mẹ con chết rồi.” Lúc bấy giờ nó nấc lên nghẹn ngào: “thầy không biết, lúc con về đến nhà, mở cửa ra, cái bàn thờ mẹ con nằm giữa nhà hoang vắng”. Nó về thấy bàn thờ giữa nhà là nó nức nở, nó gọi điện cho thầy, thầy nghe tiếng gào của nó “con đã về rồi mà sao mẹ bỏ con, mẹ ở đâu, đứa con bất hiếu của mẹ xin được lạy tạ mẹ”.
Quý vị biết thanh niên mà nó khóc như thế là nỗi lòng nó đau xót đến chừng nào. Từ Nha trang, sau 4 năm xa cách nó đi về quê thăm mẹ, mong chuộc lại lỗi lầm là đứa con bất hiếu nhưng ngờ đâu, nó bất ngờ khi nó về quê thì tất cả đã quá xa xôi đối với nó - Mẹ nó không còn. Thầy nghe nó khóc quá thầy tắt điện thoại, làm cả đêm thầy không ngủ được, thấy lòng nó xốn xang, tại sao có những đứa con biết lỗi lầm của mình, quay lại bến đò xưa, con sông cũ thì cơ hội lại không còn, khúc sông đã vắng bặt hình ông lái đò.
Quý vị biết, hôm sau nữa vợ chồng nó điện thoại cho thầy, nó nói con thấy tội lỗi con nhiều quá. Nó dọn phòng của mẹ nó, nó lượm được quyển nhật ký mẹ nó giấu dưới giường, khi đọc nhật ký của mẹ nó, nó mới phát hiện ra là 4 năm, mẹ nó ra Nha Trang 4 lần để tìm nó, mỗi lần đi 1 tuần, để đi tìm nó, mà Nha Trang nó lớn lắm, mà không quen không biết đi tìm sao mà ra. Nó đọc cho thầy nghe một đoạn:
“ 2 giờ sáng rồi, trời vẫn mưa rỉ rả, chân mẹ đã mỏi nhừ mà không dám dừng bước, giờ này con trai của mẹ đang ở đâu, có hạnh phúc bên người bạn đời của con không hay là phải chịu sự chì chiết đắng cay do lỗi lầm của mẹ đã từ chối ngày xưa, mẹ nhớ con lắm, mẹ mong gặp con dù chỉ một lần trong cuộc đời này để mẹ nói hai tiếng xin lỗi; con của mẹ yếu đuối, mưa rơi, hai mẹ con của mình hay ra trước hiên để nhìn, biết đâu mẹ con mình được tương phùng giữa cơn mưa đất lạ quê người. Con vẫn biệt tăm, thôi thì có ở phương trời này hay phương trời xa, mẹ chỉ mong gởi đến con một tâm niệm, tâm niệm cuối cùng của người mẹ - gởi cả trái tim yêu thương mong con hạnh phúc với mái ấm nhỏ cùng vợ con của con.”
Nó đọc cho thầy nghe đoạn nhật ký đó, thầy thấy cuộc đời này quả thật có nhiều chuyện đau lòng đến xé cả ruột gan. Thì lúc đó, cô vợ mới nói: thưa thầy, tất cả mọi chuyện đều do con gây ra, con là người phụ nữ, con mới biết nỗi đau của người phụ nữ, vậy mà con nỡ lòng nào cắt đứt đi tình yêu thương của mẹ chồng con và chồng của con, con quá ích kỷ, cho nên gia đình này tan nát là do con, nếu con không gật đầu đồng ý thì ảnh không bao giờ dám bước chân ra khỏi căn nhà này, cho nên xin thầy chứng minh cho con được xuất gia, con phát nguyện xuất gia để con đem hết cuộc đời của con tu tập, hồi hướng công đức cho mẹ chồng của con. Mẹ chồng con bị đụng xe chết rất thê thảm cách đây 3 tháng, đó là nỗi ám ảnh lớn nhất trong cuộc đời của con. Thì lúc bấy giờ người chồng, em trai đó mới nói: thưa thầy, con chỉ năn nỉ mẹ con có 3 tháng mà con chịu hết nỗi rồi, con cảm thấy đã quá đủ thời gian cho sự đợi chờ, mà con quên đi 24 năm dài đăng đẳng mẹ con nuôi con từ nhỏ tới lớn, trong đó có 22 năm một mình một bóng, đối diện với bao nhiêu cạm bẫy cuộc đời mà nuôi con đến lớn khôn. Năm nay con có con gái 4 tuổi rồi, con biết nỗi vất vả của cha mẹ khi chăm sóc con, vậy mà con đã quên đi, con quên đi một cách vô tình, để giờ đây chỉ còn sự hối hận. Nếu được thầy cho con xin xuất gia luôn.
Thầy hỏi: rồi còn đứa con phải làm sao? Thầy mới nói: suy nghĩ cho kỹ đi con, tu tập thì nó quý, nhưng tu đạo gì cũng phải lấy Nhân Đạo làm gốc,  mình lấy đạo làm người làm căn bản cái đã, thành Phật, thành Tổ thì nó quý, nó hay nhưng mà trước mắt con thành một người cha vô trách nhiệm, con thành một người mẹ không có bổn phận đối với con thơ thì không xong rồi, con của con nó 4 tuổi, nó tội tình gì mà nó bị đẩy vào cuộc đời một cách oan ức như vậy, trong khi nó đủ cả cha lẫn mẹ. Ngày trước con 24 tuổi, con hận mẹ con như vậy, con nhớ một mình mẹ nuôi con, con 24 tuổi mà con hận mẹ con như thế thì huống chi con gái con mới 4 tuổi nó sẽ hận vợ chồng con như thế nào? Cho nên thầy nghĩ đây không phải là cách. VỢ chồng cứ ăn chay, cứ tụng kinh, cứ niệm Phật, cứ ngồi thiền, cứ bố thí, cúng dường – làm sao cho con cái nó trưởng thành, nó vẫn hướng về con đường đạo đức là tốt nhất.
Thưa quý vị, câu chuyện đó tạm khép lại, nhưng nó gợi lên một nỗi niềm thống thiết rằng: Chúng ta đôi khi cũng là đứa con rất phũ phàng đối với Cha Mẹ, chỉ vì một chuyện nhỏ của mình, mình sẵn sàng gạt bỏ mẹ ra, thậm chí mình còn oán thù, mình còn hận; nhưng đối với mẹ, vẫn lặng thầm theo dõi từng bước chân của con và đó là những nỗi đau của những bà mẹ đã và đang tô vẽ cho những nụ cười, những hạnh phúc của bao nhiêu đứa con phũ phàng vong ân trong cuộc đời này. Ai, ở đời có lần làm cha mẹ mới biết ân sinh thành, không đợi tới Vu Lan, chúng ta mới đổ xô nhau làm điều hiếu nghĩa, vì sự hiện diện của Cha Mẹ là sự hiện diện nhiệm màu từng giây, từng phút một trong cuộc sống giữa cuộc đời đổi thay, vô thường này. ...

 

Đăng bình luận.

Bình luận (0)

Hãy là người đầu tiên bình luận.